Chương 3
9
Tuy tôi còn nhỏ, nhưng đã biết nhìn sắc mặt người khác, thấy Giang Thiển không vui, tôi cũng không dám vui vẻ nữa.
Cơm nước xong xuôi, tôi lén chuồn ra khỏi nhà, rồi lại lén quay về phòng, lôi từ trong áo ra một cây kem lớn – loại mà chị thích nhất – đưa cho chị đang làm bài tập.
Mợ không cho chúng tôi ăn vặt, nhưng tôi vẫn thường thấy Giang Thiển ăn vặt ngoài đường rồi mới về nhà.
Chị nhìn cây kem, hỏi:
“Tiền đâu mày mua cái này?”
Tôi đáp:
“Là tiền tiêu vặt mợ thưởng cho em.”
Giang Thiển cười khẩy:
“Tao không ăn đồ mày mua.”
Tôi lại đưa cây kem ra:
“Không ăn thì nó chảy mất, phí tiền của mợ.”
Giang Thiển là kiểu người thẳng tính giống hệt mợ, nghe vậy, chị liền nhận lấy cây kem, xé bao ra, há miệng cắn một phát ngập nửa cây kem, giải quyết xong nguy cơ nó bị chảy mất.
Tôi tròn mắt nhìn.
Giang Thiển nói:
“Đừng tưởng tao ăn kem của mày rồi là tao không ghét mày nữa.”
Tôi gật đầu:
“Chị ghét em cũng được, em không ghét chị.”
Chị hỏi tại sao.
Tôi đáp:
“Vì chị cho em ở chung phòng, còn kể truyện trong sách cho em nghe.”
Giang Thiển rất thích đọc tiểu thuyết, mỗi lần đọc đến chỗ tức giận là lại kể tôi nghe tình tiết rồi rủ tôi cùng mắng người trong truyện.
Chị hỏi:
“Vậy mày có ghét ai không?”
Tôi im lặng.
Chị lại hỏi:
“Mày có ghét Giang Thâm không?”
Tôi lắc đầu.
Chị bĩu môi khinh bỉ:
“Xì, Giang Thâm đáng ghét vậy mà mày cũng không ghét, mắt mày có vấn đề rồi.”
Chị lại hỏi:
“Mày có ghét ba mẹ mày không?”
Tôi cúi đầu không nói.
Giang Thiển nói:
“Ghét ba mẹ mày cũng chẳng có gì xấu hổ cả, mẹ tao bảo, người lớn đã chọn sinh con ra thì phải nuôi dưỡng cho tử tế. Ba mẹ mày vứt mày cho nhà tao, là người lớn không có lương tâm, đáng bị ghét.”
10
Tôi ngẩng đầu nhìn Giang Thiển, khoảnh khắc ấy, trong mắt tôi chị như đang tỏa sáng lấp lánh.
Bị ánh mắt lấp lánh của tôi nhìn chằm chằm, Giang Thiển có hơi ngượng, chị đưa cho tôi miếng kem cuối cùng:
“Em nếm thử đi.”
Tôi nhét viên kem tròn như viên cá vào miệng, vị ngọt tan chảy, đúng lúc đó, giọng mợ vang lên ngoài cửa:
“Hai đứa làm gì đấy? Cút ra mau!”
Tôi và Giang Thiển chạy ra xem, thấy mợ đang vác thang, gọi chúng tôi cùng giữ.
Mợ nói:
“Vừa nãy có đôi chim sẻ chiếm tổ én nhà mình, én đánh không lại, còn bị đánh rơi một quả trứng.”
Dưới đất quả nhiên có một quả trứng vỡ, Giang Thiển ngạc nhiên thốt lên:
“Tội nghiệp chim én quá, không ngờ chim sẻ lại xấu xa như vậy!”
Mợ trèo lên thang, lôi hết đám cỏ chim sẻ nhét vào tổ én ra vứt đi, hai con chim sẻ ở xa kêu chí chóe, như đang chửi mợ.
Mợ cũng chẳng chịu thua, chửi lại:
“Muốn có tổ thì tự đi xây, đừng có cướp tổ én nhà tao, còn dám tới, tao đập chết!”
Từ đó chim sẻ không dám đến chiếm tổ nữa, nhưng hôm sau, khi mợ đi chợ thì bị một bãi phân chim rơi trúng đầu.
Mợ nói lũ chim sẻ thật thù dai, bắt không được, làm bà sợ tới mức sau này ra ngoài đều phải che dù nhưng nhắc đến chim én thì mợ vẫn vui vẻ, vì chúng đã quay lại ở tổ.
Tôi thầm ghen tị với tổ én ấy.
Ai cũng chào đón chúng ở lại, mợ còn giúp chúng đuổi chim sẻ.
Đây là nhà của cậu mợ, là nhà của Giang Thâm, Giang Thiển, là nhà của chim én — duy chỉ không phải là nhà của tôi.
11
Tôi và Giang Thâm bị mợ phạt quỳ trên tấm giặt đồ.
Mỗi tối sau khi ăn xong, mợ sẽ qua nhà dì Vương tám chuyện, mợ vừa đi, Giang Thâm liền mở tivi xem kênh thiếu nhi, bảo tôi ra ngoài canh chừng.
Tôi ngồi một mình ngoài cửa, lộ nửa khuôn mặt ra ngoài, như kẻ trộm nhìn đông ngó tây chỉ cần thấy mợ xuất hiện ở đầu ngõ là tôi quay đầu chạy vào nhà.
Giang Thâm thấy tôi là biết mợ về, liền vội tắt tivi, chạy về phòng giả vờ làm bài.
Làm vậy vài hôm, mợ sinh nghi, lúc tôi đang canh ở cửa, thì nghe trong sân có tiếng “rầm” rất lớn, giật mình chạy vào thì thấy mợ đang ngồi xổm cạnh tường.
Bà xông vào như bão, tóm lấy Giang Thâm đang xem tivi sau này tôi mới biết, mợ trèo tường từ nhà hàng xóm về, Giang Thâm bị đánh khóc thét.
“Tao nói rồi, tối từ thứ Hai đến thứ Sáu không được xem tivi, mày coi lời tao là gió thoảng chắc?!”
“Bảo sao dạo này tối nào cũng làm bài đến mười giờ, thì ra là bận coi tivi!”
“Mày còn xúi tiểu Yến giúp mày canh gác, hôm nay tao không đánh chết mày thì tao không phải mợ mày!”
Đánh mãi đến khi mợ mệt, bà bắt hai chúng tôi quỳ lên tấm giặt.
Giang Thâm càu nhàu:
“Tiểu Yến có xem đâu, sao cũng phải quỳ?”
Mợ trừng mắt với tôi, lấy tay chọc mạnh vào trán tôi:
“Mày giúp anh mày làm chuyện xấu, tao phạt cả hai, mày có phục không?”
Tôi ỉu xìu:
“Phục.”
“Sau này còn dám giúp anh mày làm bậy nữa không?”
Tôi lắc đầu:
“Không dám.”
Mợ nói:
“Tiểu Yến, nhớ kỹ, giúp người làm điều xấu là hại người chứ không phải giúp, nếu mày thực sự muốn tốt cho anh mày, thì nên nói với tao là nó lén coi tivi.”
Mợ lại đá Giang Thâm một cái:
“Còn mày, nếu không muốn liên lụy người khác thì đừng kéo người khác làm chuyện bậy với mình.”
Quỳ một lúc, đầu gối tôi đau đến nỗi nước mắt trào ra.
12
Mợ ngồi phía sau, quay lưng lại, đạp máy may.
Giang Thiển lén lút ném cho tôi một đôi găng tay bông màu hồng, ra dấu bảo tôi lót dưới đầu gối.
Giang Thâm cũng làm khẩu hình hỏi:
“Còn anh thì sao? Còn anh thì sao?”
Giang Thiển bĩu môi, quay đầu về phòng.
Từ đó về sau, Giang Thâm vẫn thỉnh thoảng lén xem tivi, nhưng không còn nhờ tôi canh nữa, anh “thuê” con trai dì Vương – Vương Phú Quý – giúp canh.
Mỗi lần mợ đi, Vương Phú Quý sẽ gọi điện báo, một tháng sau, hóa đơn điện thoại tăng gấp đôi, mợ tra ra, tức đến phát cười.
Thế là lại một trận đòn “hỗn hợp giới tính”.
Tôi không chứng kiến cảnh ấy, là Giang Thiển kể với tôi lúc trò chuyện buổi tối.
Khi tôi học lớp Hai, thường tan học rất muộn, mợ hỏi tôi lý do, tôi không dám nói.
Cho đến một lần, khi tôi đang giúp mấy học sinh lớp lớn chép bài tập, thì Giang Thâm và Giang Thiển tìm thấy tôi.
Tôi ngơ ngác nhìn hai người đang thở dốc, Giang Thiển bước tới trước hỏi:
“Em đang làm gì ở đây? Sao còn chưa về nhà?”
Tôi lí nhí:
“Chị ơi…”
Chị nhìn tôi, rồi nhìn sang bốn chị lớp lớn đang chơi trò bện cỏ, thắt dây, dường như đã hiểu.
Chị giật lấy vở và tờ đáp án trong tay tôi, thấy chữ “Lớp Năm” trên đó, liền cười khẩy, chị vung tay, ném quyển vở vào giữa nhóm con gái kia, rồi xé nát tờ đáp án thành từng mảnh.
Bốn cô gái lập tức đứng dậy, vây lấy Giang Thiển, miệng chửi rủa om sòm.
Bình luận cho chương "Chương 3"
THẢO LUẬN TRUYỆN
Madara Info
Madara stands as a beacon for those desiring to craft a captivating online comic and manga reading platform on WordPress
For custom work request, please send email to wpstylish(at)gmail(dot)com