Chương 1
1
“Tao đã nhận sính lễ của trưởng thôn rồi, giờ mày nói không gả nữa, vậy mặt mũi tao để đâu?”
Lúc bà mối đến dạm hỏi, nghe nói là con trai trưởng thôn, chị tôi – Tô Minh Hoa – lập tức gật đầu đồng ý.
Ai mà không biết nhà trưởng thôn là gia đình có điều kiện nhất làng Tô?
Người ta một tháng mới được ăn thịt một lần, còn nhà trưởng thôn ngày nào cũng có trứng, cách vài hôm lại có thịt kho.
“Để em gái gả qua đó là được, con chỉ muốn lấy Tống Minh Khiêm!” Minh Hoa như hồi nhỏ tranh ăn tranh mặc với tôi, nằm lăn ra đất ăn vạ.
Ba mẹ tôi quả nhiên mềm lòng, mẹ vội vàng kéo chị dậy: “Đất lạnh thế, không sợ bị cảm à?”
Nói rồi bà quay sang nhìn tôi, chẳng hỏi han gì, chỉ bảo với ba: “Minh Hoa nói cũng đúng, lúc trước trưởng thôn đâu có nói nhất định phải là nó, con bé gả qua đó cũng vậy thôi.”
Trưởng thôn đã tặng một con bò cùng mấy chục cân lương thực, ba không muốn bỏ qua mối hôn sự này, cũng sợ đắc tội với ông ta.
Ông gằn giọng: “Tri Hoa.”
“Con nghe theo ba mẹ.” Tôi ngoan ngoãn đáp, như bao lần khác.
Nhưng trong lòng đã âm thầm tính toán – còn đúng một trăm ngày nữa là tới kỳ thi đại học mùa hè, tôi phải tranh thủ ôn tập.
Năm ngoái vừa mới khôi phục kỳ thi đại học, mọi thứ quá gấp gáp, đợt thi mùa đông vừa rồi chẳng có ai trong đội trí thức trẻ của làng tôi đậu cả.
Lần này, kỳ thi mùa hè sẽ chính thức và bài bản hơn.
Ba đã sớm sắp xếp cho tôi gặp mặt Tống Minh Khiêm.
Ông muốn hưởng ứng chính sách, khuyến khích con cái kết hôn với trí thức trẻ về quê, giúp họ yên tâm gắn bó với nông thôn.
Ban đầu ba định để Minh Hoa đi, nhưng cuộc sống của trí thức trẻ quá cực khổ, chị không chịu, vậy là tôi phải thay thế.
Minh Hoa nhìn tôi với ánh mắt đắc ý: “Nhà trưởng thôn tốt thế, em qua đó hưởng phúc, có gì mà không thích?”
Ba sợ đêm dài lắm mộng, tối đó liền đến đội trí thức trẻ bàn chuyện cưới xin, quyết định ba ngày sau sẽ tổ chức, bày vài mâm cỗ là xong.
Mẹ lấy chiếc rương gỗ đàn hương duy nhất trong nhà làm của hồi môn cho chị.
Hôm Minh Hoa cưới, tôi theo mọi người đến đội trí thức trẻ uống rượu mừng, lần nữa gặp lại Tống Minh Khiêm.
Nhìn hắn, tôi không khỏi nhớ về kiếp trước.
Sau khi lấy hắn, tôi mới nhận ra – hắn yếu ớt, chẳng giỏi làm việc đồng áng, đã chậm còn vụng.
Để hắn có thời gian học hành, tôi không chỉ giặt giũ nấu cơm cho hắn mỗi ngày mà còn gánh vác công điểm.
Mùa hè thì đứng dưới nắng chang chang nhổ cỏ, gặt lúa.
Mùa đông thì gió lạnh cắt da vẫn phải đào đất trồng rau.
Tay tôi đầy vết thương và vết nứt nẻ.
Vai bị đòn gánh mài đến trầy hai lớp da, dính vào áo còn in cả vết máu.
Tôi chỉ có thể đến trạm xá bôi chút thuốc rồi tiếp tục làm.
Lương thực chia cho trí thức trẻ quá ít, chỉ có chút bột ngô thô và rau dại.
Chỗ thịt và trứng tôi đổi công điểm lấy được đều để dành cho hắn.
Còn tôi chỉ có thể uống cháo bắp loãng cầm hơi.
Khi ấy, tôi một lòng mong hắn thi đậu đại học, chịu khổ đến mấy cũng cam tâm, chỉ cần vài lời dỗ dành là quên hết cực nhọc.
Kết quả, sau khi về thành phố, hắn nói muốn ở ký túc xá để tiện học hành, một tháng gặp tôi chưa được một hai lần.
Hắn bỏ tôi lại nhà ba mẹ hắn, để tôi chịu đựng sự coi thường của họ, bị họ sai bảo như người hầu.
Tôi không muốn ăn bám, bèn ra ngoài làm công, kiếm được tiền rồi họ mới thay đổi thái độ.
Một lần, tôi lấy hết can đảm đến trường thăm hắn, mang theo ít đồ.
Nhưng tôi lại thấy hắn tay trong tay với một cô gái, vừa đi dạo vừa trò chuyện vui vẻ trên sân trường.
Tôi nhận ra cô ta, bởi ảnh cô ta luôn kẹp trong sách của hắn.
Chị yêu quý, không biết chị có chịu nổi cuộc sống này không?
Dân làng đều đi uống rượu cả, mẹ bảo tôi ở lại nói chuyện với chị.
Chị mặc chiếc áo sơ mi vải bông đỏ, ngồi trong căn phòng tồi tàn chỉ đủ đặt một cái giường gỗ nhỏ và một cái tủ.
Ký túc xá của đội trí thức trẻ không đủ chỗ, phòng tân hôn của chị là nhà thuê của một người dân trong làng.
Chỉ có một gian nhà cũ kỹ này, trời mưa còn dột, muốn đi vệ sinh cũng phải đi bộ hơn chục phút.
Kiếp trước tôi đã sống ở đây, mỗi lần trời mưa, nước dột khắp nơi, phải dùng chén bát, thau chậu để hứng.
Tống Minh Khiêm chẳng biết sửa nhà, cũng không cho tôi nhờ ai giúp.
Minh Hoa nhìn căn phòng đầy ghét bỏ, phòng chị ở nhà còn rộng hơn thế này nhiều.
Nhưng khi nhìn thấy tủ sách ở đầu giường, gương mặt chị lại hiện lên nụ cười đắc ý.
“Tô Tri Hoa, mày chỉ xứng đáng ở lại nơi khỉ ho cò gáy này cả đời.
Tao sắp thành người thành phố, được ăn ngon mặc đẹp rồi.”
2
Tôi giả vờ như không hiểu: “Chị ơi, anh rể sắp được về thành phố hả?
Em chưa nghe chính sách nào nói được về lại mà.”
Thấy tôi cái gì cũng không biết, chị vênh mặt lên, vẻ đắc ý khỏi nói: “Em biết gì chứ, sắp tới khôi phục thi đại học rồi, đến lúc đó anh ấy thi đậu là được về thành phố ở nhà lớn, lái xe con.”
“Vậy à, nghe mà ghen tị ghê.”
Tống Minh Khiêm lần này thật sự đậu được sao?
Tôi nhìn cánh cửa chị vừa khép lại, khẽ cười.
Đến ngày tôi cưới, “tam chuyển nhất hưởng”* được khiêng chỉnh tề vào nhà.
*Ba đồ chuyển động và 1 đồ phát ra âm thanh, ám chỉ của hồi môn có giá trị thời đó: xe đạp, đồng hồ đeo tay, máy khâu và radio.
Tất nhiên không phải nhà tôi chuẩn bị, mà là trưởng thôn đem tới sẵn, coi như sính lễ đem theo khi rước dâu.
Cỗ cưới bày đến mười bàn, không phải chỉ có hoa quả đậu phộng, mà là cơm nóng canh sốt hẳn hoi.
Ba mẹ tôi còn tặng trứng gà đỏ cho từng nhà trong làng, ai nấy khen lấy khen để, ba tôi được dịp nở mày nở mặt.
Giữa đám rước dâu ồn ào, tôi cuối cùng cũng thấy Tô An Quốc với gương mặt lạnh như băng.
Hắn hoàn toàn khác Tống Minh Khiêm.
Tống Minh Khiêm thì thư sinh, người gầy nhỏ.
Còn Tô An Quốc thì cao to, nước da rám nắng, nét mặt sắc sảo rõ ràng.
Cả người đầy cơ bắp, trông như chỉ một cú đấm là đủ tiễn tôi về chầu trời.
Tôi hơi sợ hắn, vì từng tận mắt thấy hắn đánh chết một con chó sói vì nó định cắn hắn.
Tôi cứng đờ người uống hết chén rượu giao bôi.
“Anh An Quốc hôn một cái đi!”
“Cô dâu xinh thế này, anh lời to rồi đấy!” … Tôi bị chọc đến đỏ bừng mặt, nhưng rồi trong phòng nhanh chóng im lặng trở lại.
Đám trai làng ồn ào bị ánh mắt sắc lạnh của hắn dọa sợ, rút sạch.
Trong làng không ai là không sợ Tô An Quốc, không ai dám quậy phá đêm tân hôn của hắn.
“Tôi muốn rời làng Tô, ra ngoài làm ăn, em có muốn đi cùng không?” Đôi mắt đen thẫm của hắn nhìn chằm chằm vào tôi.
Tô An Quốc vốn không muốn cưới vợ lúc này.
Từ khi thấy một người thu mua ve chai ghé làng, hắn đã nảy ra ý định ra ngoài làm ăn.
Ai ngờ vừa nói ra, ba mẹ hắn sợ chết khiếp.
“Con muốn buôn lậu à?!
Không được đi!
Nếu bước chân ra khỏi làng Tô, coi như nhà này không có đứa con trai nào tên Tô An Quốc nữa!”
Làng nhỏ, khép kín, chưa kịp đón gió đổi mới từ bên ngoài.
Với họ, chỉ có làm ruộng mới là chính đáng, còn ai muốn ra ngoài làm ăn đều là bị ma quỷ dụ dỗ, sẽ bị dân làng chửi sau lưng.
Là con một, từ nhỏ đã được cưng chiều, ai ngờ lần này bị nhốt chặt trong nhà.
Họ còn nhanh chóng mời bà mối đến dạm hỏi, dùng hôn nhân để trói buộc hắn lại.
Tôi biết chỉ cần tôi nói không đi, ngày mai hắn sẽ lập tức bỏ đi một mình.
“Không đi.”
Tôi vẫn không đi.
Chưa có ngày nào phải lo cơm áo, việc nhẹ lương cao, ai mà chê?
Nghe tôi từ chối dứt khoát, Tô An Quốc mím môi, quay lưng bước đi.
“Đợi đã.” Tôi suy nghĩ một chút, gọi hắn lại.
Hắn khựng lại, nhưng rồi vẫn bước tiếp.
Tôi không nhịn được, giơ tay nắm lấy vạt áo hắn.
Cuối cùng hắn cũng quay đầu lại nhìn tôi.
3
“Tôi ủng hộ anh ra ngoài làm ăn, nhưng tôi muốn ở lại làng học hành nghiêm túc để thi đại học, nên tạm thời không thể đi cùng anh.
Chờ tôi đậu đại học, nhất định sẽ cùng anh đi.”
Kiếp trước, tuy hắn không quay lại làng, nhưng tôi từng gặp hắn ở Nam Thành.
Không chỉ đi xe hơi có tài xế riêng, mà còn mở mấy trung tâm thương mại, ngay cả thị trưởng cũng phải nể mặt.
Nói hắn là cái gì mà nhân vật đầu tàu kinh tế.
Tô An Quốc rõ ràng khựng lại, đôi mắt đen sâu thẳm ánh lên vài tia sáng.
Hắn dừng bước, ngồi xuống cạnh tôi, rất gần, gần đến mức tôi hít vào là toàn mùi xà phòng thơm tho từ người hắn.
“Được, anh sẽ ra ngoài kiếm tiền đóng học cho em.”
Giọng trầm ấm, ngữ khí từ lạnh lùng chuyển thành dịu dàng.
Ngọn nến đỏ trong phòng cháy suốt cả đêm, hôm sau hắn vẫn chưa đi.
Phải đến ba ngày sau, giữa lúc tôi mong ngóng khôn nguôi, hắn mới chuẩn bị rời làng.
“Tiền trong nhà để cả trong hũ, cứ yên tâm học hành, nhớ viết thư cho anh.” Tô An Quốc chỉ mang theo một cái túi nhỏ.
Hắn để lại cả tem phiếu lương thực, phiếu thịt và tiền cho tôi, còn cất công lên trường xin giúp tôi bộ sách giáo khoa cấp ba và đề thi.
Cánh tay rắn chắc như thép ôm chặt lấy tôi.
“Biết rồi, đi nhanh đi, lỡ ba mẹ phát hiện ra lại đến bắt đấy.”
Tôi vừa đẩy hắn vừa càm ràm, “Đi lẹ đi ông, bà đây sắp gãy lưng rồi.”
Tiễn Tô An Quốc đi, tôi quay về nhà trưởng thôn, vừa khóc vừa nói hắn đã bỏ tôi lại mà đi mất.
“Là nhà họ Tô tụi bác có lỗi với con, con gái ngoan.” Ba chồng tức giận trở vào phòng, mẹ chồng vừa lau nước mắt vừa dỗ tôi.
Từ hôm đó, ba mẹ chồng đối xử với tôi càng tốt hơn.
Biết tôi muốn học hành, mỗi ngày họ đều đổi món nấu cho tôi ăn: bánh mè, há cảo tam tiên, bánh bao nhân thịt kho, thịt kho tàu.
Mẹ chồng còn lấy sữa mạch nha của bà đem pha cho tôi uống.
“Cái này uống tốt cho sức khoẻ.”
Một hộp nhỏ thôi mà giá tận 40 tệ, nhà tôi một năm mới kiếm nổi 50 tệ, kiếp trước lên thành phố cũng chỉ dám mua khi cần đem biếu người khác.
Madara Info
Madara stands as a beacon for those desiring to craft a captivating online comic and manga reading platform on WordPress
For custom work request, please send email to wpstylish(at)gmail(dot)com