Chương 3
9.
Có lẽ tại tối qua trúng gió lạnh.
Sáng hôm sau, vừa về đến biệt thự, tôi đã lên cơn sốt nhẹ.
Tôi còn chưa kịp định thần thì điện thoại đã reo — là Nguyễn Tịch Thời.
“Ba tỉnh rồi, có chuyện muốn nói với chị. Mau đến bệnh viện đi.”
Tôi nhìn lịch.
Hôm nay đâu phải ngày mổ.
Đè nén cảm giác bất an trong lòng, tôi vội uống một viên hạ sốt rồi lao thẳng đến bệnh viện.
Mùi thuốc khử trùng nồng nặc khiến tôi ngột ngạt đến khó thở.
Và tôi cuối cùng cũng hiểu vì sao Nguyễn Tịch Thời lại nhất định bắt tôi phải đến bệnh viện.
—Ba tỉnh rồi, nhưng tình trạng rất tệ.
Giống như hồi quang phản chiếu trước khi ánh sáng vụt tắt.
Vẫn còn cơ hội cứu chữa, nhưng chi phí phẫu thuật quá cao.
Bảy trăm ngàn.
Khó trách lại muốn tôi đích thân đến.
Tôi đứng trước cửa phòng ICU, nhìn người đàn ông đang nằm im lặng bên trong.
Trên người đầy thiết bị, khắp người chằng chịt ống dẫn.
Không còn là người từng cõng tôi trên vai, từng giơ tôi lên cao, đôi vai rộng lớn vững chãi ấy.
Rõ ràng tôi chỉ là đứa bé bị đá đi đá lại giữa các trại mồ côi, thân thể yếu ớt, suýt chết mấy lần.
Rõ ràng tôi chỉ là đứa con nuôi được nhà họ Nguyễn nhận về.
Vậy mà ông đã tra cứu đủ mọi cái tên mang ý nghĩa tốt đẹp, nhất định đặt cho tôi cái tên “Tuế Ninh”.
Ông nói con gái nhà ta phải xinh đẹp, sống bình an, từng năm từng tháng đều yên ổn, có bệnh gì cũng để ba gánh thay.
Và ông đã làm được.
Ngày xảy ra tai nạn, xe mất lái lao tới, ông không do dự nhào ra che chở cho tôi.
Máu hôm đó đặc quánh đến mức như phong kín toàn bộ thế giới của tôi.
Thậm chí khiến tôi bắt đầu sợ hãi, sợ phải đối diện với ông.
Sợ để ông thấy tôi đã không còn là cô con gái thuần khiết, sạch sẽ nữa.
Y tá giúp tôi mặc đồ bảo hộ.
Được vào rồi.
Đây là lần thứ ba tôi đến bệnh viện thăm ông.
Vừa thấy ông tỉnh, lời chưa kịp nói ra, nước mắt tôi đã mất khống chế.
Tôi không dám nhào lên ôm ông, chỉ có thể đứng đó liên tục thì thầm:
“Con xin lỗi, xin lỗi ba.”
Ông chỉ có một bên mắt và miệng là còn hoạt động được.
Thở hổn hển, có vẻ rất sốt ruột.
Ông cố gắng dùng chút sức lực còn lại ra hiệu gọi tôi lại gần.
Tôi rón rén sát lại mép giường, đưa tay chạm vào gương mặt đã hóp lại vì truyền dịch và suy nhược của ông.
Ướt át.
Tôi cúi xuống, thấy đầu ngón tay mình dính nước mắt.
Khóe mắt ông đang rơi xuống những giọt lệ đục ngầu.
Giọng ba rất yếu, chỉ đủ để mình tôi nghe rõ.
Ông nói:
“Gầy quá rồi.”
“Con gái ba, chịu ấm ức nhiều rồi.”
“Ba không trị nữa đâu, không muốn con khổ vì ba nữa.”
Tay tôi run rẩy dữ dội, nước mắt tuôn ra đến nỗi không thể phát thành tiếng.
Tôi muốn như hồi nhỏ, làm nũng ôm cổ ông một cái, nhưng bị y tá giữ lại, không cho phép tiếp xúc.
Tôi chỉ có thể nhỏ giọng đáp lại ông:
“Không sao đâu ba, nhà mình vẫn ổn, công ty cũng còn đó, giờ nhà mình nhiều tiền lắm.”
Nước mắt làm nhòe hết tầm nhìn.
Người đàn ông trung niên nằm trên giường bệnh trông càng tiều tụy hơn, môi ông vẫn mấp máy, ý thức mơ hồ:
“Không để con gái ba… chịu uất ức…”
Y tá quay mặt đi không nỡ nhìn, nhẹ nhàng nói tôi nên ra ngoài rồi.
Cửa phòng bệnh khép lại.
Tôi lau nước mắt, chuẩn bị đi nộp viện phí.
Thì bị Nguyễn Tịch Thời chặn lại.
Tôi nhìn ba người trước mặt.
Nguyễn Tịch Thời đang nhai kẹo cao su, vẻ mặt sốt ruột:
“Rối rít cả lên. Thế chị mang đủ tiền chưa? Hôm nay em còn phải đi mua sắm nữa đấy.”
Người mẹ đã lâu không gặp thì đang ngắm bộ móng mới làm, nói chuyện điện thoại với bạn gái bằng giọng lớn tiếng:
“Tôi thấy bộ móng này hợp vía lắm, mai chơi mạt chược chắc chắn thắng đậm!”
Còn ông cậu – người từng giúp trông nom công ty sắp phá sản lúc ba hôn mê – thì tham lam nhìn tôi:
“Nộp viện phí xong, có thể cho chú mượn thêm năm trăm ngàn không? Công ty đang cần xoay vốn gấp.”
Không ai trong họ thật sự lo cho ba tôi.
Không một ai như ba, lo cho tôi có đang khổ sở hay không.
Tôi chưa từng thấy một cảnh tượng nào tàn nhẫn đến như vậy.
Tôi che miệng, cảm giác buồn nôn vì sốt nhẹ trào lên, không thể nhịn nổi nữa.
Gần như là hất văng tất cả, tôi đẩy mạnh ba con ma hút máu ấy ra, chạy thẳng vào nhà vệ sinh.
Sau cơn nôn khan dữ dội, tôi nhìn mình trong gương, mắt đầy tơ máu.
Tôi lẩm bẩm:
“Đây là tôi sao?”
Tôi còn là tôi không?
Tôi thật sự… không nhận ra bản thân mình nữa rồi.
10.
Tôi ngồi trong quán lẩu quen thuộc.
Chiếc nồi đồng sôi lục bục, thịt dê thái mỏng nạc mỡ xen kẽ nhúng vào nước dùng sánh trắng, thêm vài quả táo tàu, vài hạt kỷ tử, chấm với sốt mè đã pha sẵn.
Từ nhỏ thể chất tôi yếu, lão trung y bảo thịt dê có tính ôn, rất tốt để bồi bổ.
Mỗi lần ba đưa tôi từ bệnh viện về, đều sẽ dẫn tôi đến quán này ăn một bữa.
Tổng giám đốc Nguyễn vị giác nhạt dần theo tuổi, không thích ăn thịt, nhưng vì chiều con gái, vẫn cắn răng ăn mấy miếng rau cải cúc.
Tôi gắp một nhúm cải cúc vừa chín, đưa vào miệng.
Đắng ngắt.
Cảm giác ăn phải đồ mặn lại càng khiến tôi buồn nôn hơn.
Không biết có phải do mấy ngày nay dồn nén quá nhiều cảm xúc hay không.
Ngay khoảnh khắc đầu lưỡi chạm phải vị mặn của nước mắt ấy.
Tôi bỗng nhận ra, mình không thể tiếp tục như thế này nữa.
Tôi lấy điện thoại ra, mở hết các app, từng cái từng cái cộng lại, xem mình còn bao nhiêu tiền.
Tin xấu.
Những năm qua đã tiêu không ít cho Nguyễn Tịch Thời và bọn họ.
Tin tốt.
Chu Tẫn quả thật rất hào phóng, nếu biết tiết kiệm từ giờ, số tiền còn lại đủ để tôi đưa ba đi xa khỏi đây, sống một cuộc đời khác.
Ngay lúc tôi đang tính toán cho tương lai, một bóng người đột ngột đổ xuống trước mặt.
Chắn cả ánh sáng.
Tôi không thèm ngẩng đầu:
“Không ghép bàn.”
Một bàn tay xương khớp rõ ràng, gân xanh ẩn hiện gõ nhẹ lên mặt bàn.
Giọng nói trầm khàn, mang theo chút mệt mỏi quen thuộc:
“Ồ?”
Tôi giật bắn người, ngẩng đầu.
Sau hơn một tuần không gặp, ánh mắt của Chu Tẫn đượm thêm vài phần uể oải.
Anh không nói không rằng kéo ghế ra, tiếng chân ghế kêu lên một tiếng “két” chói tai.
Chu Tẫn đi thẳng vào vấn đề:
“Tại sao không về biệt thự? Em đang trốn anh à?”
Tôi cất điện thoại đi.
“Không có. Sao anh biết em ở đây?”
Chu Tẫn bật cười khẽ, xốc vạt chiếc áo khoác cao cấp như thể đang quấn cái giẻ lau, rồi ung dung ngồi xuống đối diện tôi.
Giọng điệu anh chẳng khác gì đang gọi món:
“Chẳng phải đây là căn cứ bí mật của em với ba em à?”
Một tiếng sấm rền vang trong lòng tôi.
Sao anh lại biết nơi này là chỗ tôi và ba hay tới?
Tôi bật người dậy, nhìn anh chằm chằm:
“Anh điều tra em?”
Vậy tức là anh cũng biết, số tiền đó… tôi đã dùng vào việc gì.
Chu Tẫn nhìn tôi như thể đang nhìn một kẻ ngốc:
“Em nghĩ anh là đồ ngốc à?”
Tôi thở gấp:
“Vậy mà anh vẫn bằng lòng!”
Chu Tẫn gắp một miếng thịt đặt vào bát tôi, nụ cười bất cần nở rộ, quét sạch vẻ mệt mỏi trước đó:
“Thì đúng là bằng lòng đấy, sao? Không được à?”
Quán lẩu này bài trí cũ kỹ.
Ánh đèn vàng nhàn nhạt chiếu xuống tạo nên cảm giác hoài niệm mơ hồ.
Chu Tẫn buông lời như đùa, nhưng lại khiến người ta cảm giác anh đang rất nghiêm túc.
Không hề phù hợp với không khí nơi đây.
Cũng giống như thứ tình cảm trong tôi lúc này, không cách nào kìm nén nữa, rung động và nghẹn ngào đến mức nghẹt thở.
Khi một người đã đưa ra quyết định, không hối hận mà lựa chọn rời đi.
Luôn sẽ có một khoảnh khắc bốc đồng kỳ lạ kéo đến.
Có lẽ vì không muốn để lại tiếc nuối, tôi bỗng đứng bật dậy.
Chu Tẫn nhướng mày.
Tôi cúi xuống hôn lên hàng chân mày và đôi mắt anh — phần ưu tú nhất trên gương mặt ấy:
“Chu Tẫn…”
“Em muốn anh.”
11.
Khu biệt thự vắng tanh không một bóng người.
Chưa kịp lái xe vào gara, trong chiếc xe đỗ ở góc tối, hơi thở đã bắt đầu hỗn loạn.
Giữa màn đêm dày đặc, chỉ có ánh đèn yếu ớt trước biệt thự hắt xuống, lẫn vào cơn mưa như trút nước.
Chu Tẫn đưa một tay đỡ lấy đầu tôi, tránh cho tôi va vào trần xe.
Tôi quỳ gối trên tấm đệm da mềm mại.
Không có điểm tựa.
Chỉ biết bị cuốn theo từng cơn mê muội không lối thoát.
Tay còn lại của Chu Tẫn như từng thiêu qua lửa, đặt lên eo tôi.
Mang đến một nhiệt độ khiến người ta run rẩy.
Trời đất bao la, chỉ còn lại hai linh hồn cô độc, tìm thấy nhau trong cơn bão đêm.
Chúng tôi giống như hai con thuyền nhỏ lênh đênh giữa sóng dữ, lay lắt mà bám víu lẫn nhau.
Tôi gồng cứng phần thân trên.
Phần bụng dưới co giật từng hồi.
Đùi tôi run rẩy từng đợt co thắt.
Chu Tẫn ghé sát, khàn giọng hỏi:
“Khó chịu à?”
Tôi vén tóc ra sau tai, rồi cúi đầu cắn mạnh lên vai anh, để lại một dấu răng sâu:
“Tiếp tục đi.”
Bên ngoài sấm rền vang, mưa gió cuồng loạn.
Từng giọt mưa nện xuống mặt kính, vang lên những tiếng nặng nề.
Không khí trong xe dày đặc, quấn quýt không rời.
Mấy con mèo đồ chơi lăn lông lốc dưới sàn xe.
Trong không gian chật hẹp ấy là sự buông thả tận cùng, là đốt sạch tất cả mọi lý trí.
Nhất định phải cháy sạch thì mới thôi.
Tôi thở dốc, ngả vào lồng ngực anh.
Mất một lúc lâu, hơi thở mới dần ổn định.
Tôi vẫn lưu luyến vuốt ve cơ ngực ướt đẫm mồ hôi của anh một cái.
Bỗng cảm thấy… sau khi đưa ra quyết định, cả người nhẹ nhõm hẳn.
Khi tôi còn nhỏ, yếu ớt bệnh tật, bị người ta bỏ qua bỏ lại giữa các trại trẻ mồ côi, tôi từng mơ được ai đó yêu tôi điên cuồng, đến chết cũng không buông tay.
Người đó, đầu tiên là ba tôi.
Sau đó, có lẽ là… một khoảnh khắc nào đó mang tên Chu Tẫn.
Nhưng ba tôi giờ đang nằm trong ICU, sống bằng máy móc.
Còn vị hôn thê của Chu Tẫn đã nói toạc ra sự thật — tôi và anh không thuộc về cùng một thế giới.
Tôi ngẩng đầu nhìn giọt mồ hôi đang chảy dọc xuống cằm Chu Tẫn, nhìn gương mặt thỏa mãn của anh.
Tôi nói:
“Tôi chán rồi.”
“Chu Tẫn, anh có hôn ước, có cuộc sống của riêng anh.”
Tôi xoay người lại:
“Chúng ta dừng ở đây thôi.”
Tôi từng nghĩ mình có thể ích kỷ mà bám lấy anh mãi mãi.
Nhưng có vẻ tôi đã sai.
Dựa vào núi, núi cũng có ngày sụp.
Dựa vào người, người cũng sẽ quay lưng.
Con người cuối cùng vẫn phải đối mặt với hiện thực.
Dù hiện thực ấy là — một con chim hoàng yến vốn chỉ nên tham tiền như tôi, lại ngớ ngẩn mà yêu anh mất rồi.
Yêu đến mức, khi Chu Tẫn nói “anh tình nguyện”…
Tôi lại càng không thể tiếp tục.
Tôi không thể để anh mãi đổ tiền vào cái hố không đáy mang tên nhà họ Nguyễn.
Càng không thể giống như lời Trần Thư Nhan nói, để anh vì tôi mà đối đầu với cả nhà họ Chu.
Anh là Thái tử gia của giới quyền quý Bắc Kinh.
Là đại thiếu gia nhà họ Chu.
Madara Info
Madara stands as a beacon for those desiring to craft a captivating online comic and manga reading platform on WordPress
For custom work request, please send email to wpstylish(at)gmail(dot)com