Chương 5
Nếu không phải nhờ hắn, Vương Lan đời nào có cơ hội trả thù tôi.
Quả là “anh trai tốt” của em dâu tôi.
Cả nhà Vương Lan đều tự cao tự đại.
Dù việc kinh doanh lỗ ngày lỗ đêm cũng vẫn cắn răng chống đỡ.
Cũng may nhờ Vương Lan khéo léo moi tiền từ nhà chồng về hỗ trợ anh trai mình.
Kiếp trước, tôi thay cô ta trông con, cô ta rảnh rỗi đi làm, vợ chồng cùng kiếm tiền, cộng thêm mẹ tôi thi thoảng đưa tiền, cuộc sống của họ trôi qua nhẹ như mây gió.
Nhưng kiếp này, chuyện cô ta trợ cấp cho nhà mẹ đẻ bị tôi cố tình vạch trần.
Hai vợ chồng vốn dĩ đã quen cãi vã, nay lại thêm áp lực từ gia đình bên ngoại liên tục thúc ép đưa tiền về, thế là mâu thuẫn nổ tung.
Là người chị gái “yêu thương” em trai, làm sao tôi có thể đứng nhìn nó chịu khổ?
Nhân dịp Giang Vũ đi họp lớp cấp ba, tôi cố tình nối lại liên lạc giữa hắn với mối tình đầu năm xưa.
Trước kia, mẹ tôi không ưa gì cô gái đó, luôn miệng nói là tại cô ta dụ dỗ Giang Vũ nên mới khiến nó xao nhãng học hành, rồi ép hai đứa phải chia tay.
Nhưng sự thật thì gì?
Giang Vũ từ đầu đã là kẻ vô dụng, chẳng liên quan gì đến ai cả.
Sau này, người yêu cũ của hắn cưới vội rồi ly hôn chớp nhoáng, chia được một mớ tài sản không nhỏ.
Với cái mác “bà hoàng ly hôn” cộng thêm lớp filter “mối tình đầu”, đủ khiến em tôi mù quáng lao vào như thiêu thân.
Vừa về nhà, hắn đã đem mối tình đầu ra so với Vương Lan – cô vợ chỉ biết moi tiền về cho nhà đẻ.
So thế nào chẳng thấy chênh lệch?
Đàn ông ai mà chẳng mê sự dịu dàng, ai lại muốn ngày ngày nhìn cái mặt cau có, già nua chán chường?
Còn cửa hàng tạp hóa của anh trai Vương Lan thì càng ngày càng lỗ, tôi tiện thể “đổ thêm dầu vào lửa”.
Tôi gửi số điện thoại của cửa hàng đó cho vài công ty cho vay nặng lãi.
Không lâu sau, anh trai cô ta mắc nợ hàng triệu tệ cả gốc lẫn lãi.
Đám đòi nợ ấy có thiếu gì chiêu trò?
Gọi điện khủng bố, tới nhà đòi, tìm người quen… chỉ là mấy bước cơ bản.
Vương Lan chưa kịp hiểu gì đã bị nhà mẹ đẻ kéo vào cái vòng xoáy “lấy nợ trả nợ”.
Lúc gặp lại cô ta, tôi suýt không nhận ra.
Người gầy gò hốc hác, tóc tai rối bời bạc trắng, như già thêm cả chục tuổi.
Vừa mở miệng đã xin tiền, tôi thản nhiên nói tiền lương tôi còn chưa trả xong nợ học, nghèo như cô thôi.
Tôi cố tình hẹn gặp cô ta ở trung tâm thương mại.
Giang Vũ cũng ở đó, cách sau lưng cô ta không xa.
Cô ta đang mải xin tiền, hoàn toàn không thấy chồng mình đang nắm tay người yêu cũ, xách túi lớn túi nhỏ, vừa đi vừa cười nói tình tứ trên thang cuốn.
Đáng tiếc nhỉ?
Một kẻ luôn khư khư giữ chồng, lại chẳng hay biết mình đã bị cắm sừng.
Nhưng ai bảo tôi sinh lòng “nhân hậu”, nên lại ra tay giúp thêm một lần nữa.
Tôi giả vờ gọi điện cho đồng nghiệp, nói chuyện về một loại thực phẩm chức năng đang hot, cố tình nói lớn trước mặt Vương Lan: “Nghe nói một chai giờ lên tới 300.000 tệ, hiếm như vàng!”
Quả nhiên, Vương Lan mắt sáng như đèn pha, lẩm bẩm nhắc tên thương hiệu.
Nhưng cô ta đâu biết, đó chính là nhãn hiệu sẽ sụp đổ trong vòng nửa năm tới vì dính vào đường dây đa cấp.
Tới khi cô ta phát hiện thì tiền cũng không còn.
Tệ hơn nữa, vì nghe lời cô ta, mẹ tôi đem cả tiền dưỡng già đi đầu tư.
Khi công ty “bốc hơi”, Vương Lan không những không báo cảnh sát, mà còn đi liên hệ người giới thiệu – xui thay, người đó vừa bị bắt, và cô ta thì được “mời” về đồn công an “nghỉ dưỡng” 7 ngày.
Vừa ra khỏi đồn, cô ta chạy về nhà, định bảo Giang Vũ đứng tên vay một khoản nữa cho anh trai xoay sở.
Ai ngờ, Giang Vũ lúc ấy đang nằm gục trên ghế, say xỉn chẳng biết trời trăng gì.
Vì sao?
Vì “nữ thần thanh xuân” của hắn, sau khi vét sạch số dư trong tất cả thẻ tín dụng, đã đá phắt hắn, vui vẻ leo lên xe hơi của một ông chủ lớn.
Hai vợ chồng vì mớ hỗn độn đó mà lao vào nhau như hai con thú.
Nhà cửa bị đập tan nát, đồ đạc nát như tương.
Mà tôi?
Lúc ấy đã ngồi trên chuyến bay thẳng tới quê bạn trai.
Kiếp trước, mẹ tôi không cho tôi lấy chồng xa.
Bà ép Kỷ Bội Văn từ bỏ công việc lương cao ở quê anh để tới thành phố tôi sống.
Khi cưới, bà còn ép anh ấy nộp một khoản sính lễ lớn, nếu không thì không đưa sổ hộ khẩu – không đăng ký được kết hôn.
Tiền sính lễ cuối cùng vào túi ai?
Vào hết nhà em trai tôi.
Kết hôn xong, tôi sống chẳng khác gì ăn xin.
Ngay cả Kỷ Bội Văn cũng chịu khổ theo.
Chúng tôi ở trong một căn phòng trọ giá 300 tệ mỗi tháng, ăn rau người ta bỏ đi, dùng nước xin từ nhà vệ sinh công cộng cách đó cả cây số.
Vậy mà anh ấy chưa từng than vãn nửa lời.
Mỗi khi mất điện vào đêm, anh lại nhẹ nhàng quạt tay cho tôi, vừa cười vừa dỗ: “Có anh ở bên A Nghệ, cả đời mình sẽ không lạc nhau.”
“Họ không thương A Nghệ, thì anh thương. A Nghệ đừng khóc, sau này mọi chuyện sẽ tốt lên thôi.”
Anh ấy thường cúi đầu hôn đi nước mắt nơi khóe mắt tôi, rồi bật cười trêu đùa: “Ngay cả nước mắt của A Nghệ cũng ngọt, chẳng lẽ là làm từ mật à?”
Nhưng sau đó, trước mặt anh, anh trai của Vương Lan đã bắt cóc tôi.
Hắn còn dùng gậy đánh gãy chân anh.
Người đàn ông từng kiêu ngạo ngẩng đầu đi khắp nơi, lúc đó lại quỳ xuống bò trên đất, túm lấy ống quần người qua đường cầu xin: “Làm ơn gọi cảnh sát giúp tôi! Làm ơn cứu lấy vợ tôi…”
Nhưng lúc anh tìm đến được, tất cả đã quá muộn.
Tôi đã bị dầu sôi thiêu đến cháy đen, khuôn mặt và thân thể chẳng còn hình dạng.
Kỷ Bội Văn quỳ xuống bên tôi, đôi tay run rẩy, lại chẳng dám chạm vào tôi.
Trong mắt anh, chỉ có hối hận cuộn trào như sóng dữ.
Sau khi tôi chết, anh chống gậy, từng bước một gom góp chứng cứ, không ngừng kháng cáo.
Cuối cùng, nhờ lý lẽ vững vàng của anh trong phiên tòa, vụ án của tôi mới được điều tra lại.
Nhưng chính vì những ngày đêm chạy vạy đó, vì kiệt sức mà anh lái xe gặp tai nạn, xe lật khỏi cầu vượt.
Trước khi qua đời, anh chỉ làm một việc — ép màn hình điện thoại vào môi, nơi hiện lên nụ cười rạng rỡ nhất của tôi.
Tôi nghe thấy anh thì thầm xin lỗi: “A Nghệ… anh vô dụng quá, không bảo vệ được em… cũng không bảo vệ được con của chúng ta…”
“Nếu… nếu kiếp sau có cơ hội, anh sẽ lại đến cưới em, có được không…”
Kỷ Bội Văn không đợi được xe cứu hộ, anh chết trong năm yêu tôi nhất.
Anh là cứu rỗi của tôi ở kiếp trước.
Vậy kiếp này, đến lượt tôi cưới anh.
Tôi vốn nên chết trong cái nhà ăn thịt người ấy, là Kỷ Bội Văn đã cho tôi can đảm để sống tiếp.
Kiếp này tôi không nợ ai cả —
Ngoại trừ anh ấy.
Chỉ mình anh.
…
Sau này, trong nhóm gia đình bắt đầu rộ tin Giang Vũ và Vương Lan ly hôn, quyền nuôi con thuộc về Vương Lan.
Nhưng nhà mẹ đẻ của cô ta cũng trở mặt, trách cô không kịp xoay tiền giúp anh trai, không cho cô bước chân vào nhà.
Mẹ con họ lang thang đầu đường, Vương Lan lén đưa Tiểu Quân về quê gửi lại.
Còn Giang Vũ, sau khi bị người yêu cũ đá, hoàn toàn suy sụp.
Đống nợ tín dụng không trả nổi, cuối cùng bị đưa vào danh sách thất tín, sống lay lắt nhờ vào mấy trăm tệ tiền dưỡng già của mẹ tôi mỗi tháng.
Vương Lan để trốn nợ nghe nói đã vượt biên, rồi biệt tích luôn từ đó.
Tiểu Quân kiếp này vẫn bị chẩn đoán u não, chỉ là thời gian phát bệnh đến sớm hơn kiếp trước.
Tôi có tìm hiểu, hóa ra là do cô em họ nhà dì Hai — người từng tuyên bố “cô mà dạy thì Tiểu Quân không thể nào bị u não” — nói thằng bé có dấu hiệu tăng động, khuyên mẹ và Giang Vũ đưa đi khám.
Ban đầu họ không để tâm, nhưng em họ tôi nói chắc như đinh đóng cột, họ đành dẫn con đi viện.
Ai ngờ, kết quả là u não thật.
Chuyện vỡ lở, Giang Vũ lập tức dắt mẹ tôi sang nhà dì Hai làm ầm lên, bảo tại cô em họ “rủa” con họ nên mới bị bệnh.
Hai nhà cãi nhau ầm ĩ trong nhóm gia đình, Facebook thì thành sân khấu khóc lóc kể khổ.
Hai bên cứ thế giằng co suốt mấy tháng trời.
Cuối cùng, nhà dì Hai đành đưa ra 20.000 tệ để “mua sự yên tĩnh”, sau đó âm thầm chuyển nhà trong đêm.
Kết cục chẳng khác tôi dự đoán — đám người gọi là “người thân” ấy, vốn chỉ là một lũ tiểu nhân vì lợi mà tụ, hết lợi thì tan.
Tôi rời khỏi nhóm gia đình, cắt đứt hoàn toàn với bên ngoại, yên ổn sống ở thành phố của Kỷ Bội Văn.
Sau đó, chúng tôi đính hôn rồi kết hôn.
Bố mẹ chồng không hề xem thường tôi vì không có nhà ngoại nâng đỡ, ngược lại còn viết tên tôi vào giấy tờ căn hộ ba phòng làm nhà cưới.
Một năm sau, tôi sinh đôi — một trai, một gái.
Con gái sinh trước vài phút, nhưng vì một chút ích kỷ, tôi đăng ký cho con là em.
Kỷ Bội Văn từng hỏi: “Sao em cứ nhất định phải để con gái làm em?”
Tôi chỉ cười, không nói với anh rằng… kiếp trước tôi cũng từng mang thai một bé gái.
Tôi tin, duyên phận giữa tôi và con chưa kết thúc, chúng tôi lại gặp lại nhau ở kiếp này.
“Bởi vì… mẹ của bọn trẻ từng làm chị, mệt mỏi lắm rồi. Mẹ chỉ muốn con gái của mẹ được làm em, được anh trai bảo vệ, được cả nhà yêu thương nhất.”
Con gái của tôi không cần giống tôi — phải gánh danh xưng “chị gái” cả đời, phải nhường nhịn, phải nhẫn nhịn, phải một mình nuốt nước mắt vào trong.
Tôi sẽ nuôi dạy con bé như đang nuôi lại chính bản thân mình.
Mong cho tất cả những người từng làm chị.
Đều có thể thoát khỏi những gánh nặng, xiềng xích.
Mỗi bước chân đều vững vàng tiến về phía trước.
Chúng ta không chỉ là “chị gái” của ai đó.
Chúng ta không bị định nghĩa.
Chúng ta — mãi mãi tự do.
Madara Info
Madara stands as a beacon for those desiring to craft a captivating online comic and manga reading platform on WordPress
For custom work request, please send email to wpstylish(at)gmail(dot)com