Chương 1
1.
“Mẹ à, mẹ đúng là rảnh quá hóa phiền, lớn tuổi rồi còn thích lo chuyện bao đồng, chỉ một lần nhập viện đã tiêu hơn mười ngàn.
Mẹ có biết ngoài kia con phải vất vả thế nào mới kiếm được chừng đó tiền không?”
Bên tai vang lên giọng của con trai. Tôi mở mắt nhìn quanh, thấy mình đang nằm trên giường bệnh.
Tay vẫn đang cắm ống truyền, nhưng da dẻ đã không còn khô ráp và nhăn nheo như khi tôi ch .t.
Tôi cầm điện thoại đầu giường xem thử, đúng là tôi đã trọng sinh. Thời điểm hiện tại là khi tôi vừa nghỉ việc được 4 năm.
Con dâu đang mang thai đứa thứ hai, tôi bận bịu chăm cả nhà nó với cháu ngoại, đến mức không có thời gian nghỉ ngơi mà gục ngã.
Lưng tôi bị trật vì ôm cháu.
Cũng vào ngày đó, con trai mượn cớ đóng viện phí để chuyển sạch tiền trong tài khoản của tôi.
Nghĩ tới đây, tôi mở điện thoại kiểm tra tài khoản, chỉ còn lại 0,6 tệ.
“Con chuyển hết tiền trong thẻ của mẹ rồi à?”
Con trai tỏ vẻ không vui: “Đúng rồi, con một mình nuôi cả nhà vất vả thế mà mẹ còn giấu quỹ riêng.”
Tôi cảm thấy lạnh cả lòng, thở dài một hơi nặng nề.
“Đó là tiền dưỡng già của mẹ, con trả lại đây.”
“Con là con trai mẹ, con sẽ lo cho mẹ lúc tuổi già. Tiền đó để con giữ, mẹ tiêu linh tinh thì sao?”
Tôi trừng mắt nhìn nó, mà nó chẳng hề tỏ vẻ hối lỗi.
Lẽ ra tôi phải biết sớm, cả nhà nó đều là đồ vong ân bội nghĩa. Số tiền đó coi như cho chó ăn rồi.
Tính sơ sơ, bốn năm qua tôi đã bỏ gần hai chục vạn cho nhà nó.
Hôm thì mua đồ ăn, mai thì đóng tiền điện nước.
Ngay cả lúc con dâu muốn mua quần áo cho cháu cũng gửi thẳng link bảo tôi mua.
Con trai từng bảo tôi đưa hết tiền một lần để nó trả nợ nhà, nhưng tôi không chịu, đó là tiền dưỡng già của tôi.
Thế mà nó lại thừa lúc tôi nằm viện đầu óc không tỉnh táo, âm thầm chuyển sạch.
Ở viện hai hôm, trong ví tôi còn khoảng hơn một nghìn tệ.
Chờ hồi phục rồi, tôi sẽ ra ngoài kiếm việc làm.
Cái gọi là “nuôi con phòng lúc về già”, đúng là chuyện nhảm. Có tiền mới có thể lo được cho tuổi già.
Con cháu chỉ là món nợ, đến khi ch .t rồi vào điện Diêm Vương còn phải cầu khấn phù hộ tụi nó phát tài.
Ra viện về nhà, con dâu đang nằm trên sofa nghịch điện thoại.
Mẹ vợ nó thì đang ngồi đệm chơi iPad với cháu, đồ chơi vứt bừa bãi đầy sàn.
Tôi cố nhịn không nhào vô dọn, cái tật nghề nghiệp này phải bỏ.
Chào hỏi vài câu, tôi quay về phòng, rồi phát hiện trong phòng không còn đồ của mình nữa.
Con dâu bước lại nói: “Mẹ à, ngại quá, dạo gần đây mẹ không có ở đây nên con cho mẹ con ở tạm phòng mẹ, bây giờ Tiểu Kiệt cũng quen ngủ cùng bà ngoại rồi, mẹ tạm ngủ phòng khách nha.”
Tôi cười gằn, cái nhà này tiền cọc mua là tôi trả, nợ nhà cũng tôi gánh gần ba năm, mà bốn phòng chẳng có nổi một cái cho tôi.
Già rồi là bị ghét bỏ vậy sao?
“À mẹ à, mẹ tưới cây lục lăng giùm con nha.
Quần áo của Tiểu Kiệt chưa giặt, mẹ giặt luôn nhé.
Giặt xong thì nấu cơm chiều, bốn món một canh, con muốn ăn canh sườn bắp với cà tím xào thịt băm.
À tiện thể đi mua ít nho nữa, em bé trong bụng con thèm ăn đó~”
Vừa cắm mặt vào điện thoại, con dâu đã bắt đầu sai vặt.
Tôi từ lúc vào cửa còn chưa ngồi xuống mà đã bị sai bảo tơi tả.
“Bà thông gia à, con gái bà nói rồi đấy, bà đi làm đi. Cháu để tôi trông cho.”
Nói rồi tôi bước tới giật phăng cái iPad trên tay bà thông gia, máy nóng ran, chẳng biết xem bao lâu rồi.
Bà ấy còn ngơ ngác: “Không phải nó đang gọi chị sao?”
“Thím à, thím đùa à? Tôi vừa mới ra viện, con dâu tôi làm sao mà vô giáo dục đến mức mới về đã sai tôi thế được chứ? Người bình thường chẳng ai bất hiếu vậy đâu.”
Căn phòng khách bỗng im phăng phắc, cả hai người đều sững sờ.
Chưa ai thấy tôi phản kháng bao giờ. Bình thường, con dâu tôi nói một là tôi làm một, sống chẳng khác gì bà chủ trong biệt thự.
Bà thông gia chỉ đành ngậm ngùi đi làm việc.
2
Trên bàn cơm có ba món một canh, cháu trai vừa ăn vừa dán mắt vào iPad, tôi tắt máy để nó ăn cho nghiêm chỉnh.
Trước lúc tôi vào viện, cháu trai vẫn ngoan ngoãn ăn cơm, mỗi ngày xem iPad cũng không quá nửa tiếng.
Không ngờ nó lập tức bật khóc:
“Bà nội xấu! Con ghét bà nội! Con muốn ngoại! Ngoại cho con xem Peppa cơ!”
Bà thông gia như thể vừa thắng một trận lớn, hếch cằm nhìn tôi, rồi xoa đầu cháu:
“Tiểu Kiệt ngoan, ngoại mở cho con xem.”
Rồi bà ta nói:
“Bà thông gia à, Tiểu Kiệt mới có ba tuổi thì biết gì đâu? Nó thích xem Peppa thì cứ để xem thôi.
Bà làm thế, nó chẳng thân với bà được. Tôi chỉ mới chăm nó mấy ngày mà nó đã thân lắm rồi đấy.”
Kiếp trước, tôi từng thấy chạnh lòng khi cháu thân với người khác, dù gì cũng là đứa tôi tự tay nuôi lớn.
Nhưng giờ thì tôi chẳng bận tâm nữa. Không thân thì không thân. Tôi lo cho mắt nó bị hỏng, mà ba mẹ nó còn không quan tâm, thì lo của tôi cũng vô nghĩa.
Huống hồ, có đứa trẻ vốn sinh ra đã là đồ vong ân bội nghĩa.
Kiếp trước tôi chết mà cháu chẳng thèm nhìn lấy một lần, nếu tôi có nuôi chó thì ít ra nó còn biết vẫy đuôi.
Tôi chẳng buồn để tâm đến sự khiêu khích của bà thông gia. Buổi tối, con dâu cũng ngại chẳng dám sai tôi làm gì.
Tôi ở nhà nghỉ vài hôm, con dâu bắt đầu khó chịu. Cô ta với mẹ ngủ đến tận chín mười giờ mới dậy.
Hai người đều nghĩ tôi sẽ như trước, dậy sớm nấu bữa sáng, quét dọn nhà cửa sạch sẽ.
Nào ngờ tôi chẳng động tay vào việc gì, hễ bảo làm là tôi kêu đau lưng.
Lười thì ai mà không biết?
Con trai thấy vậy cũng không giữ được bình tĩnh:
“Bây giờ tĩnh tĩnh đang mang thai, mẹ dù đau lưng cũng giúp một tay chứ! Hôm nay mẹ nấu cơm tối đi.”
Từ sau khi tôi nghỉ việc, hai đứa nó chưa từng nấu ăn. Sáng trưa tối kể cả ăn đêm cũng đều một tay tôi lo.
Tôi giơ tay ra trước mặt con trai:
“Đưa tiền đây, mẹ đi chợ mua đồ.”
Con trai đang định cằn nhằn thì chợt nhớ ra tiền của tôi đã bị nó chuyển sạch, đành miễn cưỡng chuyển cho tôi 200 tệ.
Chiều, tôi ra siêu thị mua một cây cải thảo và 10 tệ thịt heo, bỏ vào tủ lạnh rồi về phòng nằm nghỉ.
Tám giờ tối, con trai tan làm về thấy bếp lạnh tanh, tức giận gào lên giữa phòng khách:
“Cả ngày làm được cái gì? Tôi đi làm cực khổ một ngày mà về nhà chẳng có lấy cái gì ăn, mấy người muốn gì đây hả?!”
Bà thông gia và con dâu bế cháu từ khu vui chơi tầng dưới về, thấy cảnh đó cũng sững sờ.
Họ cứ nghĩ sẽ có bữa tối thịnh soạn, dù sao tay nghề của tôi cũng chẳng tồi.
“Mẹ, sao mẹ không nấu cơm ạ?”
Con dâu chạy tới mở nắp nồi, thấy trống trơn chẳng có gì.
Tôi gãi đầu, điềm nhiên nói:
“Chỉ bảo mẹ đi mua đồ chứ có bảo nấu đâu.”
“Đây mà là mẹ con à? Chút việc cũng không làm được, mẹ trước kia đâu có thế.”
Cuối cùng, con trai đành phải đặt đồ ăn ngoài.
Tối đến, tôi vào phòng định lấy chăn ngủ thì phát hiện chăn mất rồi, vỏ bọc ghế sofa cũng bị tháo sạch.
Tôi hỏi bà thông gia trong phòng khách, bà ta ôm cháu né sang một bên, không thèm nhìn tôi.
Tôi gõ cửa phòng ngủ chính:
“Con ơi, Tĩnh Tĩnh, cái chăn của mẹ đâu? Vỏ ghế sofa cũng không còn, mẹ ngủ kiểu gì đây?”
Không có tiếng trả lời, tôi lại tiếp tục gõ.
Lúc này con dâu mở hé cửa, khó chịu nhìn tôi:
“Chăn của mẹ ở ban công, chiếu cũng vậy. Tối nay mẹ ngủ ngoài ban công đi.”
Tôi lập tức nổi đóa:
“Tại sao lại bắt mẹ ra ngủ ban công?”
Con trai cũng ra:
“Mẹ à, mẹ la lối cái gì đấy? Tiểu Kiệt mới ngủ xong.”
Tôi bảo là con dâu muốn tôi ngủ ngoài ban công, không ngờ con trai lại chẳng buồn để tâm:
“Muốn mẹ ngủ ban công thì ngủ đi, ở ngoài đấy còn mát.”
“Suốt ngày ăn không ngồi rồi mà còn đòi hỏi gì nữa?”
Nghe đến đó, tôi hiểu ra rồi. Hai vợ chồng chúng nó đang cảnh cáo tôi: không làm việc thì đến chỗ ngủ cũng không có.
Tôi gọi điện cho con gái, mới nói là muốn qua ở nhờ mấy hôm, ai ngờ vừa nghe xong nó đã từ chối thẳng thừng.
Nó bảo nó đã gả đi rồi, làm gì có chỗ mà cho tôi qua ở? Bảo tôi ngoan ngoãn nghe lời con trai mà sống.
Tôi vẫn còn ảo tưởng, đáng lý ra tôi phải biết sớm, cả hai đứa này đều là đồ vong ân phụ nghĩa.
Tôi ra ban công lấy chăn, định quay vào phòng khách thì phát hiện cửa ban công bị ai đó khóa lại. Tôi gọi mãi cũng chẳng ai trả lời.
Đành phải qua đêm ngoài ban công.
Cả đêm tôi không ngủ được, nhìn ánh đèn từ hàng vạn nhà trong thành phố, lòng tôi lạnh đến thấu xương.
Sáng sớm hôm sau, bà thông gia mở cửa ban công, ăn sáng mà chẳng ai nhắc gì đến chuyện tối qua.
Trong bữa ăn, cháu lại vừa ăn vừa quấy khóc, tôi mềm lòng bế lên dỗ dành.
Ai ngờ nó lại giãy giụa trong lòng tôi, khóc nức nở:
“Không muốn bà nội! Ngoại ơi a a a! Con muốn ngoại!”
Bà thông gia lập tức đứng dậy, ôm lấy cháu bắt đầu dỗ. Vừa vào lòng bà ta, nó đã ngưng khóc.
“He he, cháu thân tôi ghê cơ, mới chăm có mấy ngày thôi đấy.”
Ý bà ta là, tôi chăm mấy năm cũng không bằng bà ta mấy ngày.
“Cháu không thân với tôi chắc là không cần tôi nữa rồi. Cái nhà này cũng chẳng còn chỗ cho tôi. Tôi quyết định từ ngày mai sẽ đi làm bảo mẫu.”
Trải qua chuyện tối qua, tôi hiểu rõ rồi – con trai con gái đều chỉ là hư danh.
Tôi phải tránh xa bọn chúng, bắt đầu lại cuộc đời mình.
Ba người kia nghe xong thì chết sững. Bà thông gia vốn chỉ muốn khoe khoang cháu thân với mình, chứ chẳng định để tôi đi làm thật.
Ai mà không biết chăm một đứa ba tuổi, thêm một bà bầu, rồi quán xuyến cả nhà là chuyện chẳng dễ dàng gì?
Bình luận cho chương "Chương 1"
THẢO LUẬN TRUYỆN
Madara Info
Madara stands as a beacon for those desiring to craft a captivating online comic and manga reading platform on WordPress
For custom work request, please send email to wpstylish(at)gmail(dot)com