Chương 2
5
Tôi tâm trạng nặng nề.
Nửa đêm thức dậy.
Tôi là một tác giả viết tiểu thuyết, bản thảo dự trữ sắp cạn rồi.
Không viết nữa là sẽ bị độc giả “truy sát”.
Tôi đeo kính gọng bạc, ngồi trước quầy bar gõ gõ gõ gõ.
Giang Khâm cũng ra ngoài.
Trên máy tính bảng trong tay là bảng biểu chi chít chữ, sống mũi cũng đeo kính gọng bạc.
“…Chưa ngủ à?”
Tôi không muốn để ý đến anh, tay vẫn gõ lách cách: “Có việc.”
“Bận gì vậy?”
“Không bận gì cả.”
Giang Khâm uống ngụm nước.
Cứ phải nói chuyện với tôi cho bằng được.
“Không bận thì lấy gì nuôi con? Một cái thẻ cũng không lấy.”
“…Tôi lấy thẻ của mẹ anh rồi.”
“Rồi cũng không xài.”
Không phải không xài, chỉ là tạm thời chưa cần tiêu nhiều tiền như vậy.
Nếu một ngày có chuyện gì gấp, tôi chắc chắn sẽ xài không do dự.
Giang Khâm không ghé lại xem tôi đang làm gì, lại hỏi tiếp: “Rốt cuộc là bận gì!”
Tôi vẫn không đáp.
Giang Khâm cười khẩy: “Hừ, không nói phải không?”
Anh mở điện thoại, đổi giọng thành kiểu phát thanh viên, đọc từng chữ một:
“《Ngôi sao toả sáng: Bà xã nhỏ của tổng tài thật là rắc rối》…
《Theo đuổi tình yêu! 99 lần bỏ trốn của vợ tổng tài》…
《Xuyên vào show nuôi con, ảnh hậu nổi điên rồi》…”
Ngón tay tôi cứng đờ.
Mặt đỏ bừng chỉ trong tích tắc.
Mẹ nó! Đó là mấy cái truyện mạng nhảm nhí tôi từng viết!!
“Giang Khâm!!”
Tôi tức giận đến độ nhảy dựng lên, lao tới giành lấy điện thoại của anh.
Giang Khâm cười đến cong cả mắt.
Điện thoại không giành được, tôi nhào thẳng vào lòng anh.
Giang Khâm thuận thế ôm lấy eo tôi, vòng tay siết rất chặt, không cho tôi động đậy.
Mùi gỗ tuyết tùng nhàn nhạt của đàn ông lan vào khoang mũi, khiến tôi chua xót trong lòng.
Không thể nói là chưa từng… nhớ cái ôm này.
Anh ôm lấy tôi.
Hơi thở nóng rực phả vào sau tai.
Tôi ngẩng đầu tức giận nhìn anh: “Thả tôi ra!”
Giang Khâm nhướng mày: “Đừng làm nũng nữa.”
Tôi nổi điên: “Anh có thả không hả!”
“Em hôn anh một cái là anh thả.”
“Thả ngay! Thả ngay!”
Giang Khâm bị tôi chọc đến bật cười, ngực cũng run lên vì cười.
“Em đáng yêu quá.”
“Anh không thả đâu.”
Tôi tức đến muốn khóc: “Sao anh lại như thế chứ!”
Anh trước kia cũng từng dỗ tôi.
Nhưng lúc nào cũng giữ kẽ.
Chưa bao giờ vô liêm sỉ như bây giờ.
“Viết rất hay mà, xấu hổ cái gì?”
Giọng trầm thấp của Giang Khâm vang lên.
“Cuốn này là viết hay nhất đấy.
“《Những năm tháng liên quan đến anh》.”
Nghe thấy tên truyện tương đối bình thường, tôi khựng lại, không động đậy nữa.
Giang Khâm hỏi khẽ:
“Nguyên mẫu… là chúng ta phải không?
“Nếu em nói là phải, những điều em muốn biết, anh sẽ nói hết cho em.”
Cửa sổ biệt thự chưa đóng.
Giữa mùa hè rực rỡ, gió đưa hương hoa ngập vườn thổi vào.
Hương thơm kéo theo ký ức, tôi mơ hồ có cảm giác như quay về nhiều năm trước.
6
Tôi quen Giang Khâm là vào tám năm trước.
Tôi sinh ra ở một thị trấn nhỏ ven Quảng Thị, nơi người ta sống bằng nghề phơi rong biển.
Trong một gia đình trọng nam khinh nữ.
Thật ra tên tôi không phải là Nguyễn Dao.
Mà là Nguyễn Yểu.
Yểu trong từ “yểu mệnh” (chết yểu).
Còn đứa em trai sinh sau tôi một năm, tên là Nguyễn Tông Diệu.
Tông Diệu trong “quang tông diệu tổ”.
Tôi vô tình nghe hàng xóm lắm chuyện nói ra ý nghĩa cái tên, mới hiểu.
Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu được, rõ ràng là bố mẹ ruột, tại sao họ lại ghét bỏ tôi đến thế.
Về sau mới phát hiện—
Ngu dốt chính là nguyên tội.
Yểu Mai, Dẫn Đệ, Phán Đệ, Vọng Đinh…
Con gái sinh ra đã bị đóng dấu thành công cụ cho bố mẹ.
Tôi từ nhỏ đã cảm nhận được sự thiên vị và chán ghét của bố mẹ.
Chưa từng được mua quần áo mới, toàn là quần áo mẹ tôi mặc rách rồi sửa lại cho tôi.
Trên quần áo toàn là miếng vá, vá đi vá lại.
Trong khi em trai thì mỗi mùa đều có quần áo mới.
Bố mẹ làm công nhân ở xưởng, cộng lại mỗi tháng chưa đến hai ngàn tệ.
Thế mà mua đôi giày ba bốn trăm cho em trai thì chẳng hề do dự.
Tôi thì mùa đông vẫn phải đi dép lê, tay chân nổi đầy chàm lạnh.
Em trai ăn gà rán, miệng đầy dầu mỡ.
Tôi chỉ có cháo loãng rau dưa, thèm quá lén bứt một miếng da gà cũng bị mắng là đồ không biết xấu hổ.
Họ nói con gái mà béo thì không ai lấy, nuôi chỉ tốn tiền vô ích.
Ở trường tiểu học vùng quê của tôi, chẳng có mấy ai kỳ vọng gì vào con gái.
Các bạn gái dường như cũng dần chấp nhận số phận, nghĩ rằng không cần học nhiều làm gì.
Dù sao đến tuổi cũng phải lấy chồng, cuộc đời chỉ gói gọn trong mảnh đất nhỏ bé này, chẳng còn con đường nào khác.
Nhưng cũng có người không cam lòng.
Tôi từ nhỏ chỉ có một mục tiêu duy nhất.
Đó là bước lên.
Ra khỏi đây.
Thế giới rộng lớn ngoài kia, không thể nào chỉ có một con đường là bị bán gả, cưới chồng sinh con.
Về sau, tôi vô tình đọc được một câu:
“Bước đầu tiên để trở thành nhà văn là gì?”
“Là có một gia đình không hoàn hảo.”
Thời cấp hai, tôi vô tình đọc được mấy cuốn tiểu thuyết.
Từ đó nảy sinh ý định viết nên một câu chuyện của riêng mình.
Tôi viết tất cả những gì về gia đình, về quá khứ, về lý tưởng của mình vào cuốn nhật ký.
Tôi muốn trở thành một nhà văn.
Về sau, cuốn nhật ký đó bị cô giáo phát hiện.
7
Sau khi cô Chu tịch thu cuốn nhật ký của tôi, cô gọi tôi lên văn phòng.
Tôi có hơi sợ.
Trong cuốn nhật ký đó là đầy những bí mật mà tôi không thể nói thành lời, cùng những giấc mơ viển vông mà hồi ấy tôi thấy xấu hổ khi nghĩ đến.
Nhưng sự căng thẳng và lo lắng ấy nhanh chóng tan biến dưới nụ cười dịu dàng của cô.
Cô trả lại cuốn sổ cho tôi.
“Tiết đó là tiết vật lý, em không nên làm chuyện khác trong giờ học.”
Cô ngừng lại một chút, rồi mỉm cười nói: “Cô chỉ xem một trang thôi, viết rất tốt, em rất có năng khiếu.”
“Hứa với cô, lần sau hãy viết vào giờ đọc sách nhé, được không?”
Tôi vô cùng ngạc nhiên, đột ngột ngẩng đầu nhìn vào mắt cô.
Cô Chu bằng tuổi mẹ tôi, nhưng ánh mắt cô nhìn tôi lại hoàn toàn khác với mẹ tôi.
Khi cô nhìn tôi, trong ánh mắt toàn là dịu dàng.
Khóe mắt tôi nóng lên, tôi gật đầu thật mạnh.
Tôi luôn nghĩ rằng, chỉ cần mình nỗ lực đủ, thì có thể từng bước thoát khỏi hoàn cảnh khốn khó.
Cho đến một ngày, tôi nghe thấy bố mẹ đang nói chuyện với dì Trương ở nhà bên.
Dì Trương nói:
“Hết chín năm nghĩa vụ giáo dục là các người coi như làm tròn trách nhiệm làm cha mẹ rồi. Con gái học chút chữ là để sau này còn dạy con trai thôi.
“Con gái dù sao cũng không phải người trong nhà. Cho nó vào nhà máy kiếm tiền phụ giúp Tông Diệu sớm một chút mới là lẽ phải. Lớn chừng này rồi mà còn tiêu tiền, không kiếm ra đồng nào? Nhà ai nuôi con gái như vậy chứ?
“Con bé Yểu Yểu xinh xắn thế kia, không ít người thèm muốn. Đến lúc đó đòi sính lễ cao chút, sau này cũng có tiền cưới vợ cho Tông Diệu. Yểu Yểu gả đi rồi, an phận sinh con, chăm chồng, sống cho tốt, đời người không phải như vậy sao? Đến lúc đó vợ Tông Diệu sinh cho các người một đứa cháu mập mạp, các người cứ ngồi mà hưởng phúc thôi.”
Bên ngoài là tiếng cười nói vui vẻ.
Lần đầu tiên tôi thấy mẹ tôi cười vui đến vậy, bà tràn đầy mong đợi với cuộc sống mà dì Trương vừa nói.
Còn tôi thì đứng sau ô cửa sổ nhỏ bẩn thỉu, chỉ thấy tay chân lạnh toát.
Thì ra, dù thành tích của tôi tốt đến vậy…
Lên cấp ba, bố mẹ cũng không định cho tôi đi học nữa.
Tôi biết những cô gái bỏ học sớm có cuộc sống ra sao.
Họ lấy chồng, sinh con sớm, những vết rạn trên bụng trở thành cơn ác mộng trong giấc mơ của tôi.
Nếu chồng siêng năng còn đỡ, còn không thì nằm phè ra giường chờ người hầu hạ.
Có người còn chưa đến hai mươi, sau lưng cõng đứa con nít hay khóc, tay thì rửa bát nấu cơm, phía sau là gã đàn ông vừa chơi bài vừa đá một cú, như đang đuổi một con lừa—
Tệ hơn nữa, sinh con gái đầu lòng, chưa hết cữ đã lại mang bầu tiếp, phải sinh cho bằng được con trai.
Còn con gái thì thường bị đặt cho cái tên liên quan đến chữ “đệ”, vừa cẩu thả vừa đáng thương.
Lớn lên rồi lại tiếp tục vòng đời của mẹ mình.
Tôi đã nghe thấy kế hoạch của bố mẹ.
Nhưng tôi không có cách nào phản kháng.
Tôi chỉ có thể giả vờ không biết, điên cuồng học tập.
Việc nhà lặng lẽ làm, tiền sinh hoạt vốn đã ít, tôi còn cố gắng tiết kiệm để gom đủ học phí cấp ba.
Ai mà biết tôi ghen tỵ với Tông Diệu đến mức nào.
Và căm hận cậu ta đến mức nào khi có cơ hội học hành mà lại chỉ biết lãng phí thời gian, suốt ngày ôm lấy cái điện thoại thông minh duy nhất trong nhà để chơi game.
8
Kỳ thi tốt nghiệp cấp hai kết thúc, tôi đỗ vào trường cấp ba trong thành phố với thành tích đứng đầu toàn trường.
Suốt 15 năm cuộc đời, đây là lần đầu tiên tôi run rẩy cầm giấy báo trúng tuyển, mạnh dạn đưa ra một yêu cầu với gia đình.
Tôi mặc chiếc áo ngắn tay lệch vai không vừa người, đứng trước ba mẹ đang im lặng, nhẹ giọng nói:
“Ba, mẹ, con muốn đi học.”
Họ ngồi trên ghế xếp, cúi đầu không nói gì.
Người phản ứng đầu tiên là ba tôi.
Ông ném điếu thuốc xuống đất: “Học hành học hành, học cho thành ra ngỗ nghịch! Mày nói muốn học là được học hả? Nhà này lấy đâu ra tiền cho mày đi học?”
Tôi đã lường trước được kết cục của cuộc thương lượng này, nhưng vẫn không kìm được tủi thân.
Nước mắt lưng tròng, tôi lớn tiếng hỏi:
“Sao lại không có tiền? Tông Diêu ăn gà rán thì có tiền, Tông Diêu đi chơi thì có tiền, Tông Diêu làm gì cũng có tiền, tại sao tiền học của con thì lại không có?”
Nguyễn Tông Diêu nặng đến một trăm ký, đang ngồi chơi game bên cạnh, chửi thề không ngừng.
Nghe tôi nói vậy, hắn đập mạnh quyển sách đang để dưới tay xuống bàn: “Con đ* mày, mày nói vậy là ý gì?!”
“Mày ganh ghét tao đúng không?!”
Cuốn sách hắn dùng để kê tay chơi game.
Lại có thể kê lên cả cuộc đời tôi.
Ba tôi tức đến mức thở hồng hộc: “Con quỷ cái! Đồ không có cái ấy là đồ lỗ vốn! Mày dám so với Tông Diêu à? Mày thì có gì mà đòi so với Tông Diêu?!”
“Nếu không có Tông Diêu, mày để cho nhà họ Nguyễn tụi tao tuyệt hậu chắc?! Mày biết không hả?!”
Vừa gào lên, ông ta vừa xé nát giấy báo nhập học của tôi.
Tôi lao tới giành lại thì bị ông ta đẩy ngã xuống đất một cách thô bạo.
Mẹ tôi không nói gì, lặng lẽ đi vào bếp nấu cơm.
Bà đã chuẩn bị sẵn sườn từ sớm, vì Nguyễn Tông Diêu đòi ăn sườn kho.
Nguyễn Tông Diêu chẳng buồn động tay, nhưng hắn đã là người thắng cuộc.
Hắn nhổ nước bọt vào tôi, không ai ngăn cản.
Khoảnh khắc đó, họ đã dập tắt tia hy vọng cuối cùng trong tôi.
Vết trầy xước khi ngã xuống đất không ai xử lý, đến nửa đêm vẫn rát bỏng.
Tôi nằm trên giường khóc, để không phát ra tiếng, tôi cắn chặt cổ tay mình.
Đêm, tối đen như mực.
Ở quê, màn đêm còn tối hơn, như thể không có lấy một tia sáng.
Không lâu sau, tin tức thủ khoa tốt nghiệp cấp hai bỏ học cấp ba lan truyền khắp trường.
Mọi người nghe xong chỉ thở dài:
“Haizz, con gái mà.”
“Con gái thì chịu thôi. Chí ngắn.”
Madara Info
Madara stands as a beacon for those desiring to craft a captivating online comic and manga reading platform on WordPress
For custom work request, please send email to wpstylish(at)gmail(dot)com