Chương 4
13.
Cho Nhiên Nhiên ăn tối xong, tôi mang theo máy tính tìm một góc vắng trong cầu thang bộ.
Tôi cứ mở đi mở lại mục số dư trong tài khoản ngân hàng.
2.925,67 tệ.
Tôi lại mở danh bạ, lướt từ trên xuống.
Lướt đi lướt lại, hết lần này đến lần khác, trong vô thức.
Tôi còn nhớ, tám năm trước, ngày biết điểm thi đại học, tôi đã rất vui, điểm còn cao hơn dự đoán đến hai mươi điểm.
Trên người chỉ còn đúng một trăm tệ, tôi cứ lang thang ngoài đường suốt cả ngày, cuối cùng mua ba cái hamburger, mỗi cái mười bốn tệ.
Thế nhưng khi tôi trở về nhà, phát hiện cửa bị mở toang, bên trong tan hoang, mọi thứ bị đập nát không còn thứ gì nguyên vẹn, đến cả miếng gạch lát sàn cũng không chừa.
Hôm đó, tôi cầm mấy cái hamburger nguội lạnh và năm mươi tám tệ tiền mặt, ngồi ngây ra ở cầu thang trước nhà suốt ba tiếng.
Giống như bây giờ.
Sau đó, bắt đầu từ năm nhất đại học, tôi không ngừng làm thêm để kiếm tiền.
Ngoài giờ học, tôi luôn ở trong trạng thái “đang làm việc” hoặc “trên đường đi làm”.
Số tiền kiếm được, trừ phần chi tiêu sinh hoạt, còn lại đều gửi về cho chị gái.
Lên năm tư, tôi mở một cửa hàng online.
Tôi học ngành máy tính suốt thời đại học và cao học.
Chỉ cần có thể kiếm tiền, viết code, sửa máy tính, cài phần mềm… việc gì tôi cũng nhận.
Vì muốn chăm sóc Nhiên Nhiên, sau khi tốt nghiệp tôi chưa từng nhận công việc chính thức nào, chỉ dựa vào cửa hàng online ấy gắng gượng duy trì sinh hoạt và chữa bệnh cho hai mẹ con.
Cho đến năm ngoái, khi Nhiên Nhiên tái phát đột ngột, chỉ vài ngày nằm ICU đã rút cạn toàn bộ số tiền tiết kiệm.
Khi đó, con bé vẫn đang trong phòng cấp cứu, chờ lên bàn mổ.
Đêm ấy, tôi mượn tiền hết danh bạ trong điện thoại cả những người bạn học chỉ từng nói chuyện vài lần, khách hàng quen biết sơ sơ, thậm chí cả mẹ ruột đã bỏ rơi tôi từ nhỏ…
Tôi vay được sáu vạn, sau đó tìm đến Lục Phỉ Chi, mượn thêm mười lăm vạn.
Tổng cộng hai mươi mốt vạn, tôi mất đúng một năm mới trả hết.
Còn lần này, cần đến bốn mươi vạn…
Điện thoại đột nhiên đổ chuông.
Số lạ, đến từ Nam Thành.
Tôi không do dự, lập tức tắt máy và chặn số.
May mà dạo gần đây Lục Phỉ Chi có vẻ vướng bận chuyện gì đó.
Anh ta không gọi lại nữa.
Cuối cùng, tôi vẫn lôi ra tấm danh thiếp trong túi.
“Tổng giám đốc Trương, tôi đồng ý với điều kiện của anh.”
Tôi hạ thấp giọng, nói khẽ.
“Tài liệu anh cần, tôi sẽ gửi vào máy tính của anh trước khi trời sáng.”
“Nhưng tôi muốn tám mươi vạn, chuyển khoản một lần, đủ số ngay lập tức.”
Cúp máy xong, tôi ngẩn người mất một lúc lâu.
Thu dọn đồ đạc, chuẩn bị rời đi.
Vừa xoay người lại.
Cố Tùng đã đứng ở đầu bậc thang, lặng lẽ nhìn tôi.
14.
Trời bắt đầu mưa.
Mưa phùn dày đặc của mùa đông lạnh thấu xương theo khe cửa sổ chưa khép kín len lỏi thổi vào trong, mang theo cả cơn rét cắt da.
“Em định… chữa khỏi cho Nhiên Nhiên xong rồi tự nộp mình vào tù à?”
“Bốn mươi vạn để chữa bệnh, bốn mươi vạn còn lại để lại cho tương lai con bé?”
Cố Tùng quả nhiên đã nghe thấy tất cả.
Giọng anh vẫn bình thản, không mang chút cảm xúc.
Nhưng chẳng hiểu sao, tôi lại có cảm giác rõ ràng rằng… anh đang rất giận.
Tôi mím môi.
Không giải thích.
Cũng chẳng thể nào giải thích được.
“Em đã sớm tính xong hết rồi đúng không? Ngay từ lúc anh nói còn có cơ hội phẫu thuật.”
Sự im lặng kéo dài của tôi cuối cùng cũng làm cạn sạch kiên nhẫn của Cố Tùng, anh khẽ cười nhạt một tiếng, rất nhẹ, nhẹ đến mức cũng đủ khiến đèn cảm ứng trên trần lập tức sáng lên lần nữa.
“An Niệm, nếu biết trước sẽ có kết cục như thế này, anh tuyệt đối sẽ không đồng ý làm ca phẫu thuật này cho em.”
Tôi sững người, ngẩng đầu lên.
Từ nãy đến giờ đầu óc tôi chỉ quẩn quanh chuyện tiền nong, giờ phút này mới chợt tỉnh ra Cố Tùng có toàn quyền từ chối thực hiện ca mổ.
Đặc biệt là sau khi phát hiện ra chuyện này.
Với tư cách là bác sĩ trẻ nhất, cũng là người có tiền đồ nhất ở Nhị Viện, anh hoàn toàn không cần phải mạo hiểm làm một ca phẫu thuật vừa có rủi ro cao, lại kèm theo nguồn tiền mờ ám như vậy.
“Xin lỗi…”
Tôi lắp bắp.
“Em chỉ có mỗi Nhiên Nhiên là con gái.”
“Em biết làm vậy là sai, nhưng em thật sự… thật sự không thể mất con bé được.”
Cố Tùng vẫn không nói gì, gương mặt không hề có biểu cảm.
Tim tôi rối như tơ vò, thấp giọng, gần như van xin:
“Nếu sau này có chuyện, em hứa sẽ không để anh bị liên lụy, được không?”
“Không được.”
Cố Tùng không do dự, từng chữ từng chữ thốt ra rành rọt.
Nước mắt tôi bỗng chốc trào ra.
Phải làm sao đây…
Nhiên Nhiên thật vất vả mới có hy vọng khỏi bệnh…
Tôi không dám để cảm xúc tràn ra, trong đầu cố gắng nghĩ xem còn cách nào khác.
Nhưng còn chưa kịp mở miệng, Cố Tùng đã tiếp lời.
“Em xem lại thẻ bệnh nhân đi.”
Tôi nhất thời không hiểu.
Ngơ ngác mở điện thoại ra
Tài khoản thẻ bệnh nhân hiển thị: 50 vạn.
Tôi chết lặng.
“Vì sao không đến tìm anh? Dù gì… mình cũng là bạn học cũ.”
Ánh đèn phía trên rọi xuống, rơi trên hàng mi anh, che khuất cảm xúc trong mắt anh.
Anh như định nói gì đó, nhưng cuối cùng, chỉ thở dài một tiếng.
“Tiền đó, cứ cầm mà chữa cho Nhiên Nhiên. Đừng áp lực gì hết.”
15.
Mãi đến khi Cố Tùng đưa tôi một tờ khăn giấy, tôi mới chợt nhận ra… mình đang khóc.
Mấy năm nay, dù có vất vả đến mấy, tôi cũng chưa từng rơi một giọt nước mắt trước mặt Nhiên Nhiên.
Thế mà lúc này, nước mắt như không còn kiểm soát được nữa, cứ thế tuôn trào.
Hệ thống ghi nhận, 50 vạn đó được chuyển vào từ mấy ngày trước.
Chỉ là tôi bận chăm sóc Nhiên Nhiên, không chú ý đến thông báo.
Cố Tùng dúi cả bịch khăn giấy vào tay tôi, hạ thấp giọng, có vẻ lúng túng:
“Đừng khóc nữa…
“Anh không cố ý mắng em đâu, chỉ là… sợ em không hiểu hết mức độ nghiêm trọng của chuyện này.”
Giá mà anh đừng lên tiếng, thì tôi đã đỡ hơn rồi.
Vừa nghe thấy giọng anh, nước mắt tôi lại trào ra lần nữa, không kìm được.
Ngoài cửa sổ, mưa lớn dần, bắt đầu rơi thành tiếng lên cành lá.
Tôi bỗng nhiên nhớ ra đã mười năm rồi.
Từ lần đầu tiên gặp Cố Tùng năm mười sáu tuổi đến bây giờ, hai mươi sáu tuổi, vừa tròn mười năm.
Và hôm đó, lần đầu tiên tôi thấy anh, cũng là một ngày mưa tầm tã, như hôm nay.
Chỉ khác là, khi ấy đang giữa mùa hè oi ả, và tôi vẫn còn vô ưu vô lo, có một mái nhà nhỏ nhưng ấm áp.
Tôi lúc đó cũng như bao nữ sinh tuổi ấy, cùng bạn bè khoác tay đi vệ sinh, tụ tập làm bài tập, tám chuyện về những nhân vật nổi bật ở 49 trường cấp 3 ở Bắc Kinh.
Trong đó, cái tên được nhắc đến nhiều nhất là “Cố Tùng” học sinh lớp 9 trường bên cạnh.
Không chỉ các bạn gái trong lớp nói đến, thầy giáo phụ trách đội tuyển Hóa học cũng thường xuyên than thở: “Giá mà Cố Tùng là học sinh trường mình thì tốt biết bao.”
Các nam sinh đội bóng rổ thì mặt mày căng thẳng, vì sắp phải đấu với đội có “Cố Tùng”, còn trên diễn đàn thì mỗi ngày đều có bài đăng kể về ai đó đã tình cờ gặp anh ở ngoài trường…
Sau đó tôi thi đỗ vào trường số 9.
Ngày đó là ngày đầu tiên tôi nhập học, cũng là năm thứ tư Cố Tùng phát biểu khai giảng với tư cách đại diện học sinh.
Tôi chen chúc giữa biển người ngột ngạt và nóng nực, cuối cùng cũng tận mắt thấy được truyền thuyết sống.
Ông hiệu trưởng tóc bạc trắng đọc diễn văn dài đến vô tận, đến mức trời đã bắt đầu đổ mưa mà vẫn chưa nói xong.
Dưới mái che, các lãnh đạo ngồi yên tĩnh như không nghe thấy tiếng mưa và tiếng xì xào bên dưới.
Hai phút sau, khi ông hiệu trưởng cuối cùng cũng kết thúc, toàn bộ học sinh trong sân trừ Cố Tùng đều đã bị mưa làm ướt tóc.
Người tiếp theo lên phát biểu chính là Cố Tùng.
Sau khi thầy hiệu phó tuyên bố: “Mời thủ khoa kỳ thi vào cấp ba, học sinh lớp 10 Cố Tùng lên phát biểu”, anh nhận micro, bước vài bước đến giữa lễ đài.
Sau đó…
Dưới ánh mắt của toàn bộ học sinh trong sân, anh nhét bài phát biểu vào túi, chỉ nói sáu chữ:
“Trời mưa rồi, giải tán đi.”
Tiếng hoan hô vang trời.
Thầy hiệu phó tức điên, giành lại micro hét: “Không ai được rời đi!” nhưng chẳng ai nghe lời, mấy ngàn học sinh lập tức tan tác như ong vỡ tổ.
Còn Cố Tùng, chỉ có một mình ở lại trên bục, bị mắng tới tấp suốt hai tiếng, phạt viết kiểm điểm ba nghìn chữ.
Nhưng thật ra Cố Tùng chẳng muốn gây chú ý hay thách thức ai, có mắng có phạt anh cũng không phản bác.
Anh chỉ đơn giản… muốn mọi người đỡ phải dầm mưa.
Thế thôi.
Tuần sau, lúc anh đọc kiểm điểm thì trời lại mưa.
Anh đứng trên sân khấu, bất đắc dĩ cười nhẹ: “Thôi không đọc nữa, tối nay tôi viết lại một cái mới.”
Cả sân hiểu ý, cười ồ, rồi rối rít tản đi.
Chuyện đã qua lâu lắm rồi, nhưng người trường số 9 vẫn hay nhắc đến ông hiệu phó suýt ngất lên ngất xuống hôm đó, nhắc đến việc sau hai năm chẳng ai dám để Cố Tùng lên lễ đài nữa, nhắc đến hội trường lớn được trường xây cấp tốc ngay sau đợt ấy.
Chỉ có điều… trận mưa thứ hai ấy là tôi nghe kể lại.
Vì hôm đó… tôi không đến trường.
Tôi đang ở trong đồn cảnh sát.
Và từ ngày hôm đó, suốt mười năm, tôi trải qua biết bao biến cố nhà tan cửa nát, bôn ba khắp nơi từ Bắc xuống Nam rồi lại trở về phương Bắc, chịu đủ đắng cay, người thân xa lìa.
Mười năm, thế giới xoay vần, mọi thứ xung quanh đều đã khác xưa.
Tôi không ngờ rằng, thứ duy nhất không thay đổi… lại là Cố Tùng.
Anh vẫn như mười năm trước là một người rất tốt, rất tốt, rất tốt.
Một người rực rỡ như ánh sáng.
Thật may mắn.
Thật may vì một người tốt như vậy… năm xưa không ở bên tôi.
“Cảm ơn anh, Cố Tùng.” Rất lâu sau, tôi khẽ nói.
Tôi không khách sáo từ chối.
Vì tôi thật sự… rất cần số tiền đó.
“Không cần khách khí như thế, dù gì… chúng ta cũng là bạn học.”
Cố Tùng rút tấm danh thiếp từ tay tôi.
“Nhưng cái này… tôi lấy nhé.”
“Vâng…”
Tôi lấy giấy bút trong túi ra, nhất quyết muốn viết giấy nợ cho anh.
Anh vừa nhìn thấy, liền bật cười: “An Niệm, tôi đâu phải cho vay nặng lãi.”
“Với lại tôi cũng chẳng cần tiền gấp, em còn phải nuôi con, không cần vội trả đâu.”
Anh cầm lấy cây bút, thêm một con số 0 vào phần “2 năm”, rồi gạch hết phần lãi suất.
“Không được đâu… anh đã giúp em nhiều như vậy rồi, em có tiền thì nên trả sớm.”
Tôi nghĩ một lát.
“Tiền lãi… cứ coi như tiền mừng cưới em tặng cho anh và bác sĩ Tần vậy, cũng xem như cảm ơn hai người thời gian qua đã chăm sóc Nhiên Nhiên.”
“?”
“Cái gì?”
Madara Info
Madara stands as a beacon for those desiring to craft a captivating online comic and manga reading platform on WordPress
For custom work request, please send email to wpstylish(at)gmail(dot)com